Chào các bạn,
Một khi bạn đọc bài viết này, bạn đang tìm một phương pháp hiệu quả để tiết kiệm tiền cho bản thân, cho gia đình. Đúng không nhỉ ?
Mình biết nhiều bạn kiếm tiền MMO đạt được thu nhập rất cao nhưng liệu bạn đã biết cách sử dụng đồng tiền kiếm được hiệu quả.
Trong trò chơi làm giàu, gọn lại chỉ có 3 hoạt động chính:
- Bạn tập trung kiếm tiền.
- Bạn tiết kiệm tiền hiệu quả.
- Bạn đầu tư làm cho tiền sinh sôi nẩy nở.
Bài viết này thay vì cung cấp kiến thức MMO, mình sẽ đề cập đến khía cạnh thứ 2 là tiết kiệm tiền như thế nào để hiệu quả .
Khá nhiều người quan tâm đến chủ đề kiếm tiền và khởi nghiệp, nhưng hầu như lại bỏ quên một bước vô cùng quan trọng trên con đường trở nên giàu có của mình: Làm thế nào để tiết kiệm tiền hiệu quả ?
Việc kiếm tiền sẽ trở nên vô ích nếu bạn không biết cách tiết kiệm chúng, dù bạn có kiếm được nhiều đến mấy. Đấy là một quy luật.
Sách Hay Nên đọc:
- Dạy con về tài chính
- 100 cuốn sách hay nên đọc trong đời
- Chiến thắng con quỉ trong bạn
- TỐT NHƯ VÀNG – BÍ QUYẾT LÀM GIÀU VÀ SỐNG HẠNH PHÚC
Bạn cũng cần tự mình phân biệt sự khác nhau giữa tiết kiệm tiền hiệu quả và hà tiện trước khi có những ý nghĩ sai lầm về những gò bó bạn sẽ phải chịu khi bạn thực hành những thói quen tiết kiệm.
1. Tiết kiệm là gì ?
Tiết kiệm trong kinh tế học, là phần thu nhập có thể sử dụng không được chi vào tiêu dùng.
Mục đích tiết kiệm tiền đơn giản là giảm thiểu các hành vi lãng phí, tích lũy một cơ số tài sản cho mình và gia đình.
Ai cũng phải công nhận rằng tiền bạc có một giá trị quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta dùng tiền để sống, ăn uống, mua sắm, giải trí, du lịch, cho con cái ăn học hàng ngày, ma chay hiếu hỷ,…
Nhưng không phải ai cũng làm ra nhiều tiền, nhu cầu thì vô hạn mà thu nhập thì có một hạn mức nào đó.
Vì vậy chúng ta mới cần phải tiết kiệm.
Tiết kiệm tiền là một việc nói thì dễ, nhưng thực hiện mới khó.
Tiết kiệm tiền có thể là một việc làm khiến người ta rất khó chịu phải đắn đo suy nghĩ thiệt hơn, bởi khi muốn chi tiền vào việc nào đó thì lại không được chi hoặc phải chi ít đi hoặc để dành tiền chi cho việc khác.
Tiết kiệm là tính về lâu dài, cộng dồn từng ít từng ít một chứ không phải một lúc có ngay.
Ví như chúng ta có mục tiêu 5 – 10 năm mua nhà thì phải tính cần bao nhiêu tiền, phải tiết kiệm từng ngày là bao nhiêu ?
Cần tiết kiệm để có một khoản dùng trong trường hợp khẩn cấp, để an nhàn hưu trí khi về già hay cho con cái đi du học, du lịch….
Các phương pháp tiết kiệm bao gồm việc bỏ tiền vào, ví dụ:
- tài khoản tiền gửi
- tài khoản hưu trí
- quỹ đầu tư
- tiền mặt
Chính cách quản lý tiền bạc mới tạo ra sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo
Nếu bạn luôn có ý thức trong việc tiết kiệm hàng ngày như: tắt bớt điện, tắt vòi nước xả khi không sử dụng, mở nhỏ tiếng tivi, tái sử dụng những vật dụng vẫn còn dùng được, mua đồ dùng thực phẩm vừa đủ, tự nấu ăn thay vì suốt ngày đi ăn ngoài nhà hàng …thì bạn đang giảm thiểu các lãng phí.
Kể cả khi bạn tiết kiệm được vài chục ngàn mỗi ngày thì tính nhân lên 10 ngày, 1 tháng, 1 năm,.. bạn cũng sẽ dần có những khoản lớn đó.
2. Tại sao bạn nên tiết kiệm tiền ?
Bạn cần nhớ là Tuổi Trẻ là lúc để chúng ta phấn đấu sự nghiệp và tiết kiệm tiền hiệu quả khi về già.
Vậy nên, thay vì phung phí vào những bữa tiệc không hồi kết, bạn có thể bắt đầu để dành vào những mục đích có ích hơn.
Một kế hoạch tiết kiệm hợp lý sẽ giúp chúng ta luôn ở thế chủ động khi có những chi tiêu phát sinh ngoài dự kiến.
Kể cả khi bạn vẫn còn trẻ và việc mua nhà, thuốc men, bệnh tật hay để dành khi về già vẫn còn lâu mới đến, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm tiền hiệu quả cho tương lai bạn cả.
Những gì bạn cho vào, sẽ là những gì bạn rút ra.
Sau cùng, bạn đang trả cho chính mình một tương lai tươi sáng hơn.
Giống như một kế hoạch tập luyện mới hay một lời thề sẽ ăn uống lành mạnh hơn, có một kế hoạch dành dụm với mục tiêu nhỏ, dễ đạt được sẽ luyện cho não bạn cách sống đúng mực và tiết kiệm tiền hiệu quả hơn, cũng như không để kỳ vọng quá cao.
Thử làm theo vài bí quyết sau đây thường xuyên và thêm vào những mục tiêu dành dụm mỗi tuần hay hàng tháng để giúp bạn có chương trình tiết kiệm tiền hiệu quả thật nhẹ nhàng.
3. Phương pháp quản lý tiền theo nguyên tắc “6 chiếc hũ”
Phương pháp quản lý tiền bạc cá nhân JARS theo nguyên tắc 6 chiếc hũ là một công thức quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng khắp thế giới được phát minh bởi T. Harv Eker – bậc thầy về diễn thuyết, đã thiết kế hàng chục khoá học ngắn và dài hạn về phát triển cá nhân.
Phương pháp JARS thường được gọi là phương pháp 6 chiếc hũ, bởi tiền của bạn sẽ được chia đều cho 6 cái hũ tượng trưng cho 6 tài khoản cá nhân như sau:
- Tài khoản chi tiêu cần thiết: 55%
- Tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai: 10%
- Tài khoản giáo dục: 10%
- Tài khoản tự do tài chính: 10%
- Tài khoản hưởng thụ: 10%
- Tài khoản từ thiện: 5%
Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) bạn hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 cái lọ. Việc này cần làm ngay để tạo thành thói quen.
Tài khoản tiết kiệm bạn có thể sử dụng cách tiết kiệm tiền lẻ (đút lợn), gửi ngân hàng hay mua vàng.
Bạn có thể dành khoảng 5-10% quỹ dự phòng để tham gia bảo hiểm nhân thọ, dành 10% để đầu tư kinh doanh, gia tăng thu nhập để tăng tiền cho các tài khoản trên.
Nếu có thể, bạn hãy duy trì ít nhất 2 quỹ tiết kiệm là ngắn hạn và dài hạn để dành vào các mục đích khác nhau, tuyệt đối không chi tiêu vào tiền tiết kiệm.
Cách dùng từng hũ như sau:
1. Nhu cầu thiết yếu – NEC (Necessity account): 55%
Quỹ nhu cầu thiết yếu NEC giúp đảm bảo các nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống.
Bạn dùng quỹ NEC để chi trả các khoản ăn uống, sinh hoạt, vui chơi giải trí, hoá đơn mua sắm và các chi phí khác.
Đơn giản, nó bao gồm bất cứ điều gì bạn cần để sống, những thứ cần thiết trong cuộc sống.
Lưu ý: Nếu hiện tại quỹ NEC của bạn ở mức trên 80% thu nhập, bạn cần tăng cường thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.
2. Tiết kiệm dài hạn – LTSS (Long-term saving for spending account): 10%
Bạn cần quỹ LTS vì điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn giữ được bao nhiêu.
Bạn sử dụng quỹ cho những mục tiêu lâu dài, thực hiện những ước mơ của bạn.
3. Giáo dục đào tạo – EDUC: 10%
Bạn cần quỹ EDUC để rèn luyện phát triển bản thân mỗi ngày.
Đầu tư tốt nhất là đầu tư vào việc học.
Bạn dùng quỹ EDUC để mua sách, đọc sách phát triển bản thân mỗi ngày, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết hay gặp gỡ, giao lưu để học hỏi từ những những người thành công.
4. Hưởng thụ – PLAY: 10%
Quỹ PLAY để bạn chăm sóc nhu cầu hưởng thụ của bản thân.
Quỹ này giúp bạn thể hiện sự yêu quý bản thân; hưởng cảm giác của người thành công; làm những việc như người giàu và tăng cường khả năng đón nhận.
Bạn sử dụng quỹ PLAY để làm những việc khiến cho bạn có cảm giác như người giàu: đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn.
Mỗi tháng, vào ngày cuối cùng của tháng, bạn phải tiêu hết số tiền trong quỹ này.
5. Cho đi – GIVE: 5%
Quỹ GIVE để giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống.
Cuộc sống là sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn.
Bạn dùng quỹ GIVE để làm từ thiện; giúp đỡ người thân; gia đình, bè bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng tiền trong hũ này để tặng quà cho gia đình và bạn bè vào ngày sinh nhật, các dịp đặc biệt cũng như các ngày lễ chẳng hạn.
6. Quỹ tự do tài chính – FFA (Financial freedom account): 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác.
Bạn cần lập quỹ FFA để có tiền làm việc thay cho bạn.
Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng đẻ trứng vàng” để bạn sử dụng khi không còn làm việc.
Bạn chỉ được dùng quỹ này để đầu tư và tạo ra thu nhập thụ động.
Xem thêm: Làm thế nào để tạo ra thu nhập thụ động tốt nhất
Càng nhiều tiền làm việc cho bạn, bạn sẽ càng ít phải làm việc hơn.
Lưu ý: Không bao giờ được ăn thịt con ngỗng!
Có một câu chuyện đầy cảm hứng trong cuốn “Secrets of the Millionaire Mind – Bí mật tư duy triệu phú” mà mình từng đọc đó là:
“Một người phụ nữ bắt đầu chia $1 vào trong mỗi lọ vào mỗi tháng.
Trong tháng đầu tiên, cô đã để 10 cent vào PLAY, 10 cent vào FFA, 10 cent vào LTSS và cứ như vậy.
Sau đó, cô đã sử dụng 10 cent để mua kẹo cao su thổi bong bóng.
May mắn, cô nhận được một cuốn truyện tranh mini cùng một gói kẹo cao su mà cô đã mua. Cô đọc truyện tranh, nhai kẹo cao su và cười.
Hai năm sau, cô đã gửi được 10.000 đô la vào tài khoản FFA.
Và bây giờ là ai đang cười?”
4. 5 phương pháp tiết kiệm tiền hiệu quả
Dựa trên phương pháp JARS, một số lời khuyên dành cho bạn như sau:
1. Cân đối các khoản thu chi trong tháng
Bạn cần tuyệt đối tuân thủ việc cân đối 1 khoản tiền cụ thể cho các khoản thu chi.
Khi đã lên kế hoạch, bạn nên thực hiện chúng một cách nghiêm túc và định kỳ.
Cắt giảm những khoản thu chi không cần thiết và lãng phí. Điều này sẽ tạo nên sự đảm bảo về mặt tài chính trong tương lai rất vững chắc đó.
Giảm chi tiêu
Ngừng chi xài cho nợ nần cá nhân cũng như thẻ tín dụng của bạn. Nếu có nhiều khoản nợ lẻ tẻ, bạn nên tập trung trả cho khoản lớn nhất để giảm lãi suất đè nặng lên bạn.
Tăng thu nhập
Mỗi khoản tiền tiết kiệm đều trích ra một phần lãi suất trực tiếp từ tài khoản của bạn.
Rất nhiều ngân hàng hiện nay cung cấp tài khoản tiết kiệm tiền hiệu quả với lãi suất cao trong đó bạn không thể rút ra trong một thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, những thiệt thòi bạn có được khi rút tiền sẽ giúp bạn nghĩ lại trước khi tiêu pha quá lố.
Kế hoạch và quản lý chi tiêu
Hãy thực hiện tiết kiệm tiền hiệu quả bằng cách lên danh sách tất cả những chi tiêu trong tuần, tháng và những nhân tố khiến bạn chi quá tay.
Mỗi tuần bạn nên có một khoản chi cố định cho tuần đó. Điều này sẽ giúp kiểm soát bạn không chi tiêu quá quy định hoặc tiêu xài quá hoang phí.
Hơn nữa, nếu tuần trước bạn đã chi tiêu quá tay thì tuần này bạn phải cân bằng lại, chi tiêu ít đi để bù vào. Đây cũng là bí quyết giúp bạn tránh thâm hụt ngân sách, tránh cảnh nợ nần do tiêu xài hoang phí.
Hãy nhớ rằng, bạn không thể lường trước được mọi rủi ro phát sinh, nhưng bạn sẽ luôn sắp xếp lại được mọi việc khi kế hoạch của bạn đủ sự chi tiết và cụ thể. Khi bạn nhìn thấy tiền của mình đang làm gì, ở đâu, đó là cách bạn tiết kiệm tiền hiệu quả.
Giữ lại những hóa đơn và gắn bó với ngân sách bạn đã đề ra. Nếu bạn không có khả năng đáp ứng, đừng mua nó. Dù đó là đôi giày cao gót đang hot hay một chiếc áo khoác sang trọng, bạn sẽ cảm ơn ý chí của mình khi cứu bản thân khỏi những căng thẳng tài chính sau này.
Chúng ta thường hay biện minh cho việc chi tiêu tiền để thoát khỏi một ngày làm việc căng thẳng bằng cách đi shopping, beer club, lê la hàng quán với bạn bè.
Tuy nhiên đây chính là một thói quen ảnh hưởng nhiều đến việc chi tiêu hàng tháng.
Thay vì tiêu xài cho những thứ không làm bạn cảm thấy tốt hơn, hãy chọn những giải pháp vừa không tốn kém những đem lại hiệu quả tuyệt vời.
2. Tiết kiệm tiền lẻ
Tiết kiệm tiền lẻ là một trong các cách tiết kiệm quan trọng và hiệu quả nhất.
Đừng coi thường những đồng tiền giá trị nhỏ.
Tích tiểu thành đại
Bạn đừng xem thường những đồng tiền lẻ, dù chúng có giá trị nhỏ nhưng khi góp nhặt được nhiều bạn sẽ ngạc nhiên với những gì bạn đang có đấy.
Trước đây, khi đời sống còn khó khăn, ông bà chúng ta thường trân trọng từng đồng từng cắc. Có vài đồng lẻ cũng cất rất cẩn thận, lâu lâu phải kiểm tra xem có còn không. Thiết nghĩ, đó là một thói quen tốt mà tới giờ chúng ta cũng vẫn phải học hỏi từ thế hệ trước.
Hãy sắm cho bản thân hay gia đình một con heo đất thật lớn ngay từ đầu năm và để vào đó tất cả số tiền lẻ mà bạn có được, thỉnh thoảng hãy lục tung tất cả các ngăn kéo, túi áo, túi quần, cặp sách,… để truy tìm tiền lẻ và làm giàu thêm tài khoản tiết kiệm tiền lẻ của chính mình nhé.
Đến cuối năm khi “đập heo” thu hoạch, bạn sẽ ngạc nhiên về số tiền tiết kiệm mà bạn có được chỉ với những đồng tiền lẻ thôi đấy.
3. Mua sắm, sử dụng dịch vụ giảm giá
…và chỉ mua những món hàng cần thiết.
Mua sắm không phải lúc nào cũng tốn kém nếu bạn biết tận dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi hoàn tiền.
Nói một cách sơ lược thì cách chi tiêu này giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn bình thường thông qua việc cùng lúc tận dụng nhiều chương trình ưu đãi.
Thói quen này sẽ không hình thành ngay một sớm một chiều nhưng một khi đã thành thói quen mua sắm thì nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Cần một chiếc váy mới cho đám cưới bạn thân?
Đi thẳng tới những buổi sale đồ trưng bày, sale cuối năm hay sale trên mạng thay vì trả giá gốc.
Bạn có thể tiết kiệm được khối tiền nếu đặt chúng vào tài khoản tiết kiệm tiền hiệu quảvà xem chúng nảy nở theo thời gian.
4. Không dùng tiền để mua thứ không cần thiết
Bạn có thực sự cần mua mặt hàng đó không?
Trước khi đi đến những nguyên tắc khác trong chi tiêu thì nguyên tắc đầu tiên là bạn phải trả lời câu hỏi có nên mua hay không?
Nếu bạn còn phân vân, lưỡng lự khi đặt câu hỏi này thì có thể mặt hàng bạn định mua chỉ là thứ gì đó bạn thích chứ không hẳn là thứ bạn cần.
Nếu có thể hạn chế được những mặt hàng mua theo cảm xúc thì bạn đã thành công được 50% trong các nguyên tắc của chi tiêu tiết kiệm rồi.
Nguyên tắc này có thể áp dụng với rất nhiều các mặt hàng thời trang vì chắc chắn là trong tủ quần áo nhà bạn có rất nhiều bộ đồ mua rồi nhưng chỉ mặc vài lần hoặc có thể bạn chưa bao giờ mặc.
Một gợi ý cho những ai thường gặp vấn đề về chi tiêu là luôn có một danh sách những thứ cần mua sắm và tuân thủ nghiêm ngặt danh sách đó.
Những món hàng thanh lý, khuyến mại thường khiến bạn bội chi, vì thế, nếu khôn ngoan, bạn không nên đi vào những cửa hàng đó, trừ khi bạn có một lý do chính đáng.
Bạn chỉ nên mua những món hàng đang được giảm giá nếu thực sự bạn vẫn cần mua nó ngay cả không được giảm giá.
Khi đã lập danh sách mua sắm, bạn cũng nên ước tính giá trị của chúng và chỉ mang theo số tiền vừa đủ, như thế bạn sẽ không thể mua nhiều hơn số tiền bạn dự tính.
Một sai lầm ngớ ngẩn của nhiều người đó là dùng tiền để mua những món đồ đáng giá, chỉ với mục đích gây ấn tượng với mọi người. Đối với người giàu, cách tiết kiệm tiền hiệu quả đó là họ biết đầu tư mua bán đúng lúc đúng chỗ.
Chúng ta đều muốn nhận được những lời nhận xét tốt từ bạn bè và đông nghiệp về những thứ mình sở hữu, nhưng chúng ta cũng cần đặt ra một giới hạn cho mình.
Bạn nên mua những thứ mình cần chứ đừng mua những món đồ chỉ để tạo hào nhoáng. Như vậy bạn sẽ chẳng tiết kiệm được đồng tiền nào đâu.
“Hãy ngừng mua những thứ bạn không cần và thậm chí là không thích chỉ để gây ấn tượng cho mọi người”.– Suze Orman
5. Đầu tư các khoản tiết kiệm một cách khôn ngoan
Chúng ta thường lờ đi những khoản tiền nhỏ nhưng những khoản nhỏ cộng dồn lại sẽ thành một khoản lớn.
Nếu bạn có nhiều hơn thì càng tốt chứ sao.
Nếu đầu tư tiền đúng cách, bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả đạt được của chính mình.
“Một xu tiền lãi chỗ này, một đô la tiền lãi chỗ khác tiếp tục tích lũy lại, và theo cách này bạn sẽ đạt được kết quả mong muốn. Có lẽ để tiết kiệm được như thế bạn cũng cần được đào tạo một chút, nhưng khi đã quen với nó, bạn sẽ thấy tiết kiệm hợp lý sẽ khiến bạn hài lòng hơn nhiều lần so với việc chi tiêu vô lý“. – P. T. Barnum
Lời kết
Để đảm bảo tài chính thành công thông qua tiết kiệm tiền hiệu quả, bạn cần xây dựng thói quen hàng ngày.
Thói quen tiết kiệm mới thực sự là chìa khóa thành công.
Bạn đầu khi áp dụng, có thể bạn sẽ thấy rất khó khăn để thực hiện nhưng bạn sẽ học được cách làm thế nào để tiêu tiền một cách khôn ngoan hơn và tiết kiệm tiền tốt hơn.
Chúc bạn thành công!
bạn có biết dịch vụ gửi tiền online ngân hàng nào giờ tốt nhất không admin ?
Khó nhỉ, muốn tiết kiệm có chủ đích mua nhà mà nhìn vào mức thu nhập rồi chi tiêu thì ko còn đủ khoản tiết kiệm luôn thì làm thế nào đây
mình nghĩ tiết kiệm là viêc rất cần thiết, gia đình mình hiện đã sinh cháu đầu nên những chi tiêu của 2 vợ chồng phải lên kế hoạch lại. cảm ơn bạn đã chia sẻ phương pháp này nhé
chúc Hoàng Oanh và gia đình có những kế hoạch chi tiêu hợp lý nhé ! 🙂
cách này rất hay, nhưng đối với người như mình cần phải cố gắng thêm
Phải có vốn đã mới nghĩ đến tiết kiệm Tiến nhỉ 🙂
Kế hoạch và quản lý chi tiêu khá khó khăn với các bạn trẻ đặc biệt là nam giới. Nếu ai đó có thể áp dụng tốt phương thức trên thì thật giỏi quả
Mình cũng đang bắt đầu làm quen Khánh à! Tuy nhiên vì mức thu nhập của mình giờ mới chỉ đủ chi tiêu cho nhu cầu bản thân nên tiết kiệm khá khó. 🙂